Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Như vậy: Hợp đồng hôn nhân là hợp đồng trái pháp luật ?

Việc xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình giữa 01 nam và 01 nữ, dựa trên tinh thần tự nguyện, do hai người có đủ điều kiện để kết hôn và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Theo đó, bất cứ loại hợp đồng nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác: Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, nước ngoại… là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra, hiện nay, theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, giữa vợ chồng chỉ có thỏa thuận về chế độ tài sản là dạng thỏa thuận có thể lập thành hợp đồng. Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Trong đó, nội dung của văn bản này là thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với các khối tài sản này; điều kiện, thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn.

Như vậy, ngoài hợp đồng hay còn gọi là văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì những thỏa thuận khác đều không được pháp luật quy định.

Đặc biệt những hợp đồng hôn nhân vì mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là những hợp đồng vi phạm pháp luật.

Nên hiểu hợp đồng hôn nhân thế nào ?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về quan hệ hôn nhân giữa hai người. Trong đó, chế độ hôn nhân gồm toàn bộ những quy định về kết hôn; ly hôn; quyền nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng,….

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân.

Hậu quả của việc hủy kết hôn giả tạo.

Việc xử lý kết hôn giả tạo được quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Theo đó, để hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án căn cứ vào yêu cầu của vợ, chồng, điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp… để quyết định. Lúc này, nếu hai bên vợ chồng đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì:

- Nếu cả hai cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận kể từ khi hai bên đủ điều kiện kết hôn;

- Nếu chỉ có một trong hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái phép hoặc công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;

- Nếu một bên yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Đáng lưu ý là nếu tại thời điểm Tòa giải quyết việc kết hôn trái pháp luật nhưng hai bên vẫn không đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn này dù một trong hai hoặc cả hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Lúc này, nếu việc kết hôn giả tạo bị Tòa án tuyên hủy thì quan hệ vợ chồng giữa hai người sẽ chấm dứt. Kèm theo đó quan hệ giữa cha mẹ con cái, chế độ tài sản chung sẽ được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn.

Như vậy, có thể thấy chỉ có thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là được pháp luật công nhận còn các trường hợp lập hợp đồng hôn nhân khác đều chưa được pháp luật quy định.

Kết hôn giả có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Việc kết hôn giả tạo không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm để xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi thì có thể bị phạt hành chính.

Theo đó, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Như vậy, nếu hợp đồng hôn nhân thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì hoàn toàn được pháp luật Việt Nam công nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nhưng nếu không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm kết hôn giả tạo thì sẽ không được pháp luật công nhận.

〉 Hãng Luật Anh Bằng | Dân sự | Đất đai | HNGĐ | Doanh nghiệp | Đầu tư | Sở hữu trí tuệ | Lao động | Hành chính | Hình sự | Luật sư riêng...